Sang trọng, nổi bật nhưng không phô trương, đó là đức tính của đồng hồ vàng hồng. Xoay quanh chúng là vô vàn lý do để cả thế giới phải theo đuổi, vậy đâu sẽ là những điều đặc biệt nhất có trên đồng hồ có màu vàng hồng nói chung?
Đồng hồ vàng hồng là gì? Đồng hồ màu vàng hồng có gì đặc biệt?
● Đồng hồ vàng hồng là gì? Rất đơn giản, đó là những chiếc đồng hồ có vỏ màu vàng hồng (màu vàng ửng đỏ hồng). Tùy theo độ sậm của màu đỏ mà màu vàng hồng sẽ được gọi một cách chi tiết hơn: vàng màu hồng (pink gold), vàng hồng (rose gold), vàng đỏ (red gold).
● Màu vàng hồng này đến từ hợp kim vàng hồng nguyên khối (hợp chất của vàng với đồng và một số kim loại khác) hoặc do lớp mạ mà ra, tùy theo giá thành của đồng hồ.
● Dĩ nhiên, nếu là vàng hồng nguyên khối, mức giá có lẽ phải gấp trăm lần các loại đồng hồ mạ vàng hồng.
● Để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể khám phá theo từng phần riêng cho hai loại chất liệu vàng hồng này cũng như các tông màu vàng hồng (pink/rose/red gold)bên dưới.
1. ĐỒNG HỒ VÀNG HỒNG NGUYÊN KHỐI LÀ GÌ?
✔ Đó là đồng hồ vàng hồng đúng nghĩa, có vỏ được đúc bằng hợp kim của vàng với đồng cùng một số kim loại khác (bạc, platinum, paladi,… tùy theo tông màu muốn có). Hàm lượng đồng càng nhiều thì hợp kim càng ngả sang màu đỏ.
✔ Trong thế giới đồng hồ hiện nay, hầu hết các thương hiệu uy tín của Thụy Sĩ chỉ sử dụng các loại vàng hồng 18k/vàng hồng 750, nghĩa là chứa ít nhất 75% vàng nguyên chất. Cá biệt một số tên tuổi lẫy lừng như Audemar Piguet, Patek Philippe còn dùng cả vàng 22k để chất tác.
✔ Đồng hồ vàng hồng nguyên khối 18k thường từ 10.000 USD trở lên (khoảng 233 triệu), nặng và mềm hơn thép không gỉ, dễ bị trầy xước hoặc cấn móp. Có giữ kỹ đến thế nào, đồng hồ vàng khối cũng sẽ bị hao mòn và kém sắc sảo theo thời gian (trừ phi không đeo). Tuy vậy, chúng có giá trị tinh thần & vật chất rất cao.
Phôi vỏ đồng hồ bằng vàng hồng 18k nguyên khối được cắt ra từ một tấm vàng khối
2. ĐỒNG HỒ MẠ VÀNG HỒNG LÀ GÌ?
✔ Đó là những chiếc đồng hồ có vỏ màu vàng hồng được tạo ra bằng công nghệ xi mạ, PVD. Bản chất của chúng vẫn là đồng hồ thép không gỉ/hợp kim không có màu vàng hồng như ngoài mặt ta vẫn thấy.
✔ Về lớp mạ của đồng hồ, nếu là sản phẩm của thương hiệu uy tín, dùng công nghệ xi mạ truyền thống (ví dụ nhưFrederique Constant), lớp màu vàng hồng bên ngoài thường đến từ hợp kim vàng thật (thường là 18k).
✔ Độ dày của lớp vàng thật tùy theo giá thành, tuy nhiên, phần lớn dao động trong khoảng 1-20 micromet. Lớp vàng càng dày thì càng lâu phai (5-20 năm). Giá thành của các mẫu này thường bắt đầu từ 15 triệu trở lên.
Đồng hồ Henry London mạ vàng hồng
✔ Nếu màu vàng hồng được tạo ra bằng công nghệ PVD hiện đại, lớp màu vàng hồng bên ngoài thường cấu tạo từ 2 lớp. Lớp ngoài cùng có thể là là lớp vàng hồng thật nhưng “không hề đáng kể”, phần lớn chưa đến 0.15 micromet, thường trôi sau vài tháng sử dụng.
✔ Lớp đệm là hợp kim TiCN (có màu vàng hồng), rất cứng nên khó trầy sâu khi dùng hằng ngày, lâu trôi (khoảng 5 năm mới có hiện tượng mất màu). Đây mới chính là vật liệu chủ yếu đã tạo ra màu vàng hồng cho các loại đồng hồ mạ vàng hồng tại tất cả thương hiệu uy tín.
✔ Dù công nghệ để tạo ra lớp PVD rất hiện đại và đắt đỏ nhưng giá đồng hồ PVD vàng hồng không cao, thường chỉ từ 1 triệu trở lên đối với các thương hiệu châu Á. Hiển nhiên, loại có giá rẻ thì màu vàng hồng hoàn toàn không chứa vàng hồng thật.
✔ Ngoài việc chế tạo từ vàng nguyên khối, mạ vàng, vẫn có một số loại đồng hồ màu vàng hồng rẻ tiền sử dụng công nghệ xi mạ đơn giản. Lớp xi mạ này dễ bị đổi màu, bong tróc, để lộ ra chất liệu bên dưới, giá thường dưới 500.000 đồng
3. CÓ BAO NHIÊU LOẠI VÀNG HỒNG DÙNG TRÊN ĐỒNG HỒ?
Nhìn chung, phổ biến trong thế giới ngày nay sẽ là 3 loại vàng hồng/màu vàng hồng đó là: Pink Gold, Rose Gold, Red Gold. Trong đó, Rose Gold chính là loại được biết đến nhiều hơn cả. Sự khác biệt trong màu sắc của chúng là do tỷ lệ của kim loại đồng trong hợp kim quyết định, càng nhiều đồng thì càng đỏ (ngược lại, càng nhiều các kim loại màu bạc như bạc/platinum/… thì càng có màu hồng).
Tính trên hợp kim vàng hồng 18k, các tông màu vàng hồng thường sẽ tương ứng với tỷ lệ đồng như sau:
4. ĐỘ CỨNG CỦA VÀNG HỒNG VÀ KHẢ NĂNG CHỊU TRẦY XƯỚC
Rất nhiều người thường thắc mắc độ cứng của vàng hồng như thế nào, tại đây Đồng Hồ Hải Triều cũng xin chia sẻ như sau: phần lớn vàng hồng 18k nguyên khối có độ cứng 270-300 Vickers. Để dễ so sánh, độ cứng kim cương là 10.600 Vickers, Ceramic là 1.500, titanium là 970, thép là 700.
Tuy nhiên, loại đồng hồ màu vàng hồng đến từ công nghệ mạ PVD sẽ cho độ cứng rất tốt (bản thân lớp mạ TiCN (Titanium Carbonitride) cực kỳ cứng, lên đến khoảng 3000 Vickers. Phần lớn va quẹt thông thường chỉ làm nó bị xước nhẹ trong khi vàng nguyên khối hoặc vàng mạ điện sẽ có vết trầy rõ rệt hơn.
5. MÀU VÀNG HỒNG CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?Vàng hồng (hợp kim vàng và đồng) được sử dụng từ rất sớm bởi người Ai Cập thời Ptolemaic để chế tạo nhẫn hoặc hàn một số vật thể. Trong suốt thời gian dài sau đó, vàng hồng được sử dụng như đồ trang sức bởi tông màu “tiệp” với da người.
Đến thế kỷ 19, tại Nga, vàng hồng/vàng đỏ bắt đầu được sử dụng mạnh mẽ hơn bởi các nghệ sĩ chế tác đồ dùng cho gia đình Sa hoàng, kéo theo đó là sự trỗi dậy của kim loại có màu ấm.
Trong văn hóa Nga, màu đỏ có địa vị rất quan trọng, tại quốc gia này, từ “đỏ” cũng có nghĩa là “đẹp”. Bởi thế, sự thịnh hành của chúng tại Nga đã khiến cho vàng đỏ được gọi với cái tên khác là “vàng Nga”.
Cùng thời tại Nga, bởi vì nhóm màu đồng luôn mang đến cảm giác xưa cũ, bởi thế đồ trang sức bằng vàng hồng 14k cũng trở thành đại diện cho phong cách cổ điển, hoàng tộc kể từ đó về sau.
Ngày nay, đồng hồ 18k nguyên khối vàng hồng (pink gold, rose gold, red gold) đã chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các loại vàng được sử dụng ở những thương hiệu Thụy Sĩ, châu Âu.
Từ trái qua: Vacheron Constantin Traditionelle Pink Gold, Cartier Tank Louis Cartier XL Ultra Flat Pink Gold, A. Lange & Söhne Lange 1 Pink Gold, Patek Philippe annual calendar 5146R Rose Gold, A. Lange & Söhne Datograph Pink Gold (ảnh của https://www.watchprosite.com)
Điển hình, Pink Gold được ưa chuộng bởi Piaget, Bulgari và Cartier; Rose Gold là loại phổ biến nhất và được trọng dụng tại Patek Philippe, Breguet, Zenith, Corum; còn Red Gold xuất hiện tại Hublot, Blancpain. (Có thể các loại vàng hồng sẽ khác biệt nhưng cách gọi vàng hồng “rạch ròi” như vậy thường là chiêu marketing của các hãng sang trọng)
Mọi người yêu thích màu vàng hồng bởi vẻ ngoài rất cổ điển, phù hợp với mọi tông da, màu sắc ấn tượng cũng như có quá khứ cao quý (ở Nga). Tại châu Á, màu vàng kim là màu của vua chúa và đỏ/hồng thể hiện sự may mắn, do đó, vàng hồng sẽ cùng lúc sở hữu cả hai đặc trưng này.
So với bất cứ màu nào khác (đen. bạc, vàng kim), những hợp kim/kim loại tông màu ấm như vàng hồng hay đồng luôn hợp với mọi màu da (trong ảnh là L4.910.5.11.7 và L4.309.5.88.7)
6. NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG ĐỒNG HỒ VÀNG HỒNG
◆ Nhìn chung, màu sắc sẽ mất đi “độ tươi” theo thời gian hoặc môi trường sử dụng khuyết điểm của hầu hết đồng hồ vàng hồng 18k nguyên khối, đồng hồ mạ vàng hồng hay đồng hồ màu vàng hồng PVD.
◆ Với đồng hồ vàng hồng nguyên khối (trừ hợp kim vàng everose của Rolex), thường xuyên tiếp xúc với các chất chứa clo như nước biển, nước máy, chất tẩy rửa, thuốc sát trùng… sẽ phản ứng với đồng trong hợp kim, dẫn đến màu hồng bị mất màu dần, kém sáng.
◆ Trong khi đó, đồng hồ màu vàng hồng PVD, do đây chỉ là lớp phủ, không phải nguyên khối nên theo thời gian nó sẽ phai dần, để lộ ra màu sắc thực của vỏ kim loại. Nếu tiếp xúc mỹ phẩm lâu dài có thể sẽ bị đen, tiếp xúc hóa chất mạnh có thể bị đổi màu.
◆ Các loại vàng mạ điện (vàng thật) hoặc mạ điện rẻ tiền (không mạ vàng thật) sẽ có nguy cơ bị bong hoặc đổi màu. Tuy nhiên, vấn đề màu sắc thường chỉ gặp phải sau thời gian rất dài, mức độ ảnh hưởng không lớn đối với sản phẩm chất lượng của thương hiệu danh tiếng.
◆ Đối với đồng hồ vàng khối, quan trọng nhất là bạn phải giữ chúng tránh chấn động, va quệt để không bị cấn móp hoặc trầy xước. Còn các mẫu PVD sẽ dễ dùng hơn, không cần phải cẩn thận từng ly từng tí, chỉ cần tránh thường xuyên phun hoặc làm dính mỹ phẩm, nước hoa là ổn.